Nội dung chiến thuật của học thuyết Tác chiến chiều sâu

Các nhà nghiên cứu về lịch sử quân sự Xô Viết thống nhất rằng mặc dù Tukhachevsky là người gieo hạt giống ý tưởng chiến thuật[Ct 5] với quan điểm rằng "vũ khí mới tạo ra hình thức tác chiến mới" để "đánh bại đồng thời từ tung thâm"[29], nhưng chính V. Triandafillov là người phát triển các bài bản cho "hình thức tác chiến mới" đó. Với cách lý luận đi đôi với thực tiễn của một nhà tư tưởng kiêm chỉ huy Hồng quân, khi nhận nhiệm vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng vào năm 1928, ông tập trung vào nghiên cứu các chiến thuật cụ thể của "Tác chiến chiều sâu". Các giải pháp của ông đã xuất hiện trong bản Điều lệ tác chiến 1929, và được trình bày hoàn chỉnh trong Thông tư "Các vấn đề cơ bản về chiến thuật và nghệ thuật chiến dịch liên quan đến tái cấu trúc Quân đội" năm 1931[30] với nguyên tắc xuyên suốt là ghim giữ, chia cắt và làm tê liệt đối phương trước khi tiêu diệt.

Tấn công suốt chiều sâu

Sơ đồ tác chiến chiều sâu 2 thê đội.Các sơ đồ vận động thọc sâu.

Nghiên cứu các cuộc tấn công trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Triandafillov chỉ ra rằng do hạn chế của tầm hoả lực và khả năng cơ động, nên lực lượng tấn công phải bóc vỏ phòng tuyến đối phương từng lớp một với tốc độ rất chậm. Nên khi đột phá qua chiều sâu chiến thuật, thì lực lượng dự bị của đối phương đã kịp vận động đến điểm đột phá để phản công, hàn lại phòng tuyến[31]. Để giải bài toán này, ông đưa ra ý tưởng tấn công đồng thời cả khu vực chiến thuật của phòng tuyến lẫn khu vực chiến dịch - tức khu vực vận động của lực lượng dự bị của đối phương.

Với nhận định rằng các tiến bộ công nghệ sẽ làm tăng khả năng cơ động của quân đội, tăng tầm bắn và sức mạnh của hoả lực, ông phác hoạ phương pháp tấn công mới là "công kích đồng thời trên suốt chiều sâu phòng ngự thay vì cách bóc vỏ từng lớp phòng thủ từ ngoài vào trong như hiện tại. Các loại vũ khí cần được sử dụng phối hợp để làm tê liệt mọi hoả lực phòng ngự cho dù ở vỏ ngoài hay ở tung thâm, chia cắt cô lập các đơn vị địch với nhau và cuối cùng tiêu diệt từng vị trí một"[32].

Trong bức tranh chiến trường của ông, cuộc tấn công được thực hiện bởi lực lượng xung kích cấp Tập đoàn quân hợp thành: nhiệm vụ bắn phá dọc chiều sâu chiến thuật là của khoảng 20 trung đoàn pháo binh; trách nhiệm tấn công phòng tuyến từ ngoài vào trong thuộc về lực lượng 4-5 quân đoàn, tức khoảng 12-18 sư đoàn bộ binh; mũi vận động vào khu vực chiến dịch của tuyến do khoảng 12 tiểu đoàn xe tăng làm mũi nhọn; máy bay ném bom sẽ oanh kích khu vực chiến dịch, ngăn cản lực lượng dự bị của đối phương vận động từ tuyến sau ra tuyến trước và hỗ trợ hoả lực cho mũi thọc sâu[33].

Vận động chiến dịch

Triandafillov nhìn nhận rằng sau khi xuyên thủng khu vực chiến thuật, lực lượng thọc sâu sẽ phải chạy đua vận động với lực lượng trù bị của đối phương trong khu vực chiến dịch, vì thế cuộc tấn công ban đầu phải đủ rộng theo chiều dài phòng tuyến để buộc đối phương phải phán đoán vị trí xuất phát vận động cho đến phút cuối.

Mối quan tâm tiếp của Triandafillov là sơ đồ vận động. Ông đưa ra nhiều sơ đồ mô tả các hướng vận động giao nhau để hợp vây, chia cắt và tiêu diệt lực lượng trù bị của đối phương. Ông dự đoán trước mức độ phức tạp của chúng, đặc biệt trên quy mô toàn mặt trận, vì thế nhấn mạnh sự phối hợp đồng bộ giữa các Phương diện quân[34]. Ý này được G.S Isserson[Ct 6], một nhà lý luận trẻ cùng thời tóm lại là:"Cần phải ghim giữ lực lượng trù bị của đối phương trên toàn bộ mặt trận để lực lượng này không thể kịp thời tập trung chặn đánh mũi tấn công thọc sâu chính"[36].

Giao chiến trong hành tiến

Triandafillov cũng viết kỹ về thể thức giao chiến trong hành tiến. Ý tưởng của ông là phải nắm ưu thế thông tin, chủ động thế trận, chế áp thành công pháo binh đối phương, gây rối và chia cắt đội hình hành tiến của chúng trước khi tiêu diệt từng phần. Để thực hiện điều này, ông đề xuất cơ cấu phân đội tiền trạm có pháo binhxe tăng mạnh hoạt động trước đơn vị chính, có máy bay trinh sát hỗ trợ. Khi nắm được hướng và tốc độ hành tiến của đối phương, phân đội tiền trạm sẽ chủ động áp sát dùng hoả lực pháo kết hợp với máy bay ném bom chế áp pháo binh đối phương, tạo điều kiện cho bộ binh của phân đội cắt rời đội hình tiền phương của chúng ra khỏi lực lượng chính trong khi xe tăng cơ động tập hậu gây rối. Với các hoạt động tích cực đó của phân đội tiền trạm, đơn vị chính sẽ được che phủ trong khi triển khai thành các mũi chia cắt. Lực lượng xe tăng cùng với bộ binh theo xe cũng phải sẵn sàng cho việc truy kích sau khi trận đánh đạt kết quả tích cực[37].

Tổ chức phòng ngự chiều sâu

Triandafillov cũng ý thức rằng tiến bộ công nghệ và vũ khí mới cũng làm cho việc tổ chức phòng ngự trở nên khó khăn. Dự đoán rằng đối phương cũng tấn công thọc sâu bằng mũi nhọn thiết giáp, ông đưa ra phương án tăng chiều sâu chiến thuật của tuyến phòng ngự để đối phó. Ông nhấn mạnh rằng dọc theo chiến tuyến không phải mọi khu vực đều thuận lợi cho hoạt động của xe tăng, nên cần tận dụng địa thế kết hợp với xây dựng các chướng ngại vật kiên cố để thiết lập các vai phòng ngự cứng. Bằng cách này, có thể chẻ nhỏ và phân luồng mũi thiết giáp theo các trục tiến quân phán đoán trước dẫn vào các trận địa pháo và súng chống tăng mật độ cao bố trí sẵn. Các trận địa này được dự phòng bằng một lực lượng lớn pháo chống tăng cơ động, bố trí phía sau để đủ thời gian vận động. Như thế, ông cho rằng có thể làm suy kiệt mũi tấn công của đối phương, tạo điều kiện cho việc tung ra đòn phản công để khôi phục tình thế[37].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tác chiến chiều sâu http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.calvin.edu/academic/cas/gpa/goeb36.htm http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/House/House... http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/glantz3/gla... http://www.au.af.mil/au/awc/awcgate/opart/opart_nw... http://www.carlisle.army.mil/USAWC/Parameters/Arti... http://www.carlisle.army.mil/USAWC/Parameters/Arti... http://www.carlisle.army.mil/usawc/Parameters/1985... http://www.history.army.mil/books/OpArt/index.htm#... http://www.dtic.mil/cgi-bin/GetTRDoc?AD=ADA416926&...